Màu sơn xe là một trong những đặc điểm nhận dạng của phương tiện và được ghi rõ thông tin trên Giấy đăng ký xe. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người sử dụng tự ý thay đổi màu sơn của xe với nhiều lý do khác nhau, ví dụ như tân trang lại xe, đổi màu cho hợp mệnh, màu sắc thể hiện cá tính của bản thân…
Vậy có được phép thay đổi màu sơn gốc của xe hay không? Nếu muốn thay đổi màu sơn xe phải làm thế nào cho đúng luật? Nếu không phải là xe đăng ký chính chủ liệu có được thay đổi màu sơn của xe không?
Để giải đáp những câu hỏi trên, sơn xe Phấy sẽ cung cấp những thông tin liên quan đến việc thay đổi màu sơn của xe để giúp chúng ta hiểu rõ hơn.
Màu sơn của xe là một trong những điểm nhận dạng của phương tiện và được ghi rõ thông tin trên Giấy đăng ký xe. Đồng nghĩa với việc, khi thay đổi màu sơn của phương tiện thì thông tin trên Giấy đăng ký xe cũng sẽ thay đổi.
Do đó, việc tự ý thay đổi màu sơn xe khác so với trên Giấy đăng ký sẽ khiến chủ phương tiện gặp rắc rối khi lưu thông trên đường. Cụ thể, theo Nghị định 100/2019 quy định về xử phạt chủ phương tiện vi phạm lỗi tự ý thay đổi màu sơn xe máy sẽ bị phạt từ 100.000 – 200.000 đồng (cá nhân) hoặc 200.000 – 400.000 đồng (tổ chức); còn đối với ô tô bị phạt từ 300.000 – 400.000 đồng (cá nhân) hoặc 600.000 – 800.000 đồng (tổ chức).
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính, cá nhân/tổ chức thực hiện hành vi vi phạm việc thay đổi màu sơn xe còn phải thực hiện việc khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe.
Theo quy định hiện hành, việc thay đổi màu sơn xe phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, Thông tư 15/2014 quy định việc thay đổi màu sơn của phương tiện nằm trong nhóm trường hợp phải đổi lại Giấy đăng ký xe. Và Thông tư số 58/2020 quy định thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký xe, chủ phương tiện cần chuẩn bị những hồ sơ sau:
– Giấy chứng nhận đăng ký xe;
– Giấy khai đăng ký xe theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 58/2020;
– Giấy tờ của chủ xe: Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc Căn cước công dân (CCCD); trường hợp không có CMND/CCCD hoặc có nhưng nơi đăng ký thường trú không trùng với giấy khai đăng ký xe thì cần mang sổ hộ khẩu.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, chủ phương tiện cần đến nơi nộp hồ sơ (Cục CSGT đường bộ – đường sắt; Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).
Tại cơ quan quản lý đăng ký xe, chủ phương tiện nộp bộ hồ sơ đầy đủ các giấy tờ trên cho cán bộ quản lý có thẩm quyền. Khi đến cơ quan quản lý, cần mang phương tiện muốn đổi màu sơn xe để cán bộ quản lý kiểm tra. Sau đó, điền đầy đủ thông tin và lý do đổi giấy chứng nhận đăng ký xe (Ví dụ: đổi màu sơn…) vào tờ khai do cán bộ quản lý cung cấp.
Sau khi điền đầy đủ thông tin cần thiết, chủ phương tiện sẽ nhận thông báo Nộp lệ phí cấp lại đăng ký sơn xe. Hoàn thành việc nộp lệ phí cấp lại đăng ký xe (khoảng 30.000 đồng/lần cho cả xe máy và ô tô) và chủ phương tiện có thể thay đổi màu xe như đã ghi theo Giấy đăng ký xe mới được cấp lại.
Thời gian hoàn thành thủ tục cấp lại Giấy đăng ký xe không quá 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Mặc dù, khi thay đổi màu sơn xe thì chính chủ sở hữu phương tiện phải đi làm thủ tục này; hay trường hợp xe của cơ quan, tổ chức thì cần có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức. Nhưng, thực tế có một vài trường hợp người làm thủ tục thay đổi màu sơn xe không phải chủ xe, điển hình như mua bán lại xe cũ nhưng không làm thủ tục sang tên trên Giấy đăng ký xe.
Nếu không phải chủ phương tiện thì sẽ không có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục thay đổi màu sơn. Vì vậy, trước khi tiến hành thủ tục thay đổi màu sơn xe, chủ phương tiện cần làm thủ tục sang tên Giấy đăng ký xe trước hoặc có thể kết hợp làm 2 thủ tục cùng một lúc.
Thủ tục sang tên chủ xe được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2020 như sau:
– Giấy tờ của chủ xe tương tự như trường hợp thay đổi màu sơn của xe đã nêu trên;
– Giấy khai đăng ký xe theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 58/2020;
– Giấy chứng nhận đăng ký xe đã được cấp;
– Giấy tờ liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu xe như giấy tờ, hợp đồng mua bán, tặng cho xe (có công chứng, chứng thưc); hóa đơn bán hàng; văn bản thừa kế…;
– Chứng từ chứng minh hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước: Lệ phí trước bạ (biên lai, giấy nộp tiền, giấy tờ xác nhận của cơ quan thuế trong trường hợp được miễn lệ phí trước bạ);
– Cơ quan thực hiện: Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cư trú.
Trước tiên, chủ xe đến trực tiếp cơ quan đăng ký xe được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức dịch vụ nộp giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe cho cơ quan đăng ký xe để được cấp giấy chứng nhận thu hồi đăng ký xe và cấp biển số tạm thời.
Sau đó người mua xe nộp hồ sơ cấp đăng ký xe tại cơ quan công an cấp huyện nơi mình cư trú gồm:
– Giấy khai đăng ký xe theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 58/2020;
– Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe;
– Giấy tờ lệ phí trước bạ xe;
– Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe;
– Giấy tờ của chủ xe.